Hiện chưa có thông tin chính thức về việc Trung Quốc (TQ) cấm các doanh nghiệp nước này đấu thầu các dự án ở VN. Tuy nhiên, việc này nếu có cũng sẽ không gây ảnh hưởng gì cho VN - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định như vậy.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo Bộ trưởng Thăng, việc TQ cấm các doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án mới tại VN, nếu có, trước hết sẽ gây thiệt hại cho chính phía TQ. VN được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế nên nếu TQ làm vậy là tự loại trừ đi một thị trường tốt. Tại VN ngoài các nhà thầu TQ còn có các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, các nhà thầu VN cũng đủ khả năng để thực hiện các dự án giao thông vì đã tiếp cận được các công nghệ tiên tiến nhất. Trong lĩnh vực giao thông hiện có 9 nhà thầu TQ với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỉ đồng tiền vốn đang thực hiện ở VN, trong đó đã thực hiện được gần một nửa. Trong các dự án này có dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của TQ nên các nhà thầu TQ được tham gia.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tận dụng vốn, công nghệ giá rẻ từ TQ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ “nguồn vốn của TQ chưa chắc đã phải là rẻ” vì cho vay thì phải có lãi và phía VN cũng phải tính toán có lợi mới vay. Bộ trưởng GTVT cũng cho biết vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông hiện tại từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó lớn nhất của Nhật Bản, còn vốn của TQ là phần rất nhỏ.
Theo Bộ trưởng Thăng, với việc sửa đổi luật Đấu thầu, tiêu chí giá rẻ không quyết định việc chọn nhà thầu mà còn phải xét về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ… Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành giao thông nhanh hơn. “Ngành GTVT sẽ chủ động có phương án về việc nếu có doanh nghiệp nước ngoài rút. Thậm chí nếu họ làm không tốt chúng ta có thể chấm dứt hợp đồng luôn nên không phải lo lắng, băn khoăn gì cả”, ông Thăng khẳng định. Theo ông, nếu các nhà thầu TQ rút thì phần đang làm dở họ không thanh toán được. VN cũng có khả năng đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn TQ.
100% doanh nghiệp ở Bình Dương đã đi vào sản xuất
Chiều tối 10.6, UBND tỉnh Bình Dương ra thông cáo báo chí cho biết 100% các doanh nghiệp (DN) đã đi vào sản xuất từ sau vụ gây rối và số lao động trở lại làm việc đạt 98%. Theo thông cáo, các DN bị thiệt hại nhẹ đã tự khắc phục và đi vào hoạt động sản xuất ngay mà không đề nghị nhà nước hỗ trợ. Riêng các DN gặp khó khăn về nhà xưởng, UBND tỉnh đã giải quyết cho thuê nhà xưởng trong các KCN để sản xuất. Các vấn đề về thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện giải quyết nhanh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Vừa qua, các công ty bảo hiểm đã thực hiện bồi thường cho các DN với tổng số tiền gần 115 tỉ đồng. Dự kiến vào ngày 18.6, UBND tỉnh sẽ công bố danh sách đợt 1 các DN được UBND tỉnh hỗ trợ, mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ.
Đỗ Trường
|
Trường Sơn